Gần đây, loại hình phân phối bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng ngân hàng buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
Vậy, vay ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ không? Bạn cần tìm hiểu thông tin gì khi vay vốn và làm gì khi gặp tình huống này? Tất cả sẽ được tuannq thông tin chi tiết ở bài viết dưới đây.
Có bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng?
Trong thực tế, không có luật nào quy định rằng khi vay vốn, người đi vay bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ. Do đó, khách hàng có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm khi vay tiền tại các ngân hàng.
Luật kinh doanh bảo hiểm đã quy định rõ ràng về các nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, việc tham gia bảo hiểm là trên cơ sở tự nguyện, dựa vào nhu cầu và khả năng tài chính của người tham gia. Vì vậy, không có luật nào bắt buộc người vay phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tại ngân hàng cả.
Pháp luật quy định như thế nào về việc mua bảo hiểm nhân thọ?
Không riêng gì những dịch vụ khác, mua bảo hiểm nhân thọ cũng được pháp luật quy định rõ ràng bằng văn bản, cụ thể:
Căn cứ tại Điểm c, Khoản 4, Điều 10 Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 có quy định rõ ràng về việc: “Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.”
Theo Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Nghị định này. Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.”
Cũng theo Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.”
Vì vậy, bất cứ hành vi ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ nào đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định, bao gồm cả cá nhân và tổ chức tài chính như ngân hàng.
Việc ép buộc vay ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ sẽ bị xử phạt như thế nào?
Đối với trường hợp ngân hàng ép buộc người vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ sẽ phải chịu sự xử lý của pháp luật. Cụ thể, những ngân hàng bị phát hiện có hành vi ép buộc người vay tiền mua bảo hiểm nhân thọ sẽ phải chịu xử lý vi phạm theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ, được sửa đổi bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể:
“2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
- c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
- d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Về mức xử phạt, nếu ngân hàng ép buộc người vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng sẽ phải chịu mức xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Chưa hết, hình phạt bổ sung với vi phạm trên là tạm dừng hoạt động ngân hàng trong vòng 2 đến 3 tháng.
Trường hợp bị ngân hàng bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tiền nên xử lý như thế nào?
Trong trường hợp bạn bị ép khi vay ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ, hãy tham khảo các cách xử lý sau:
- Nếu ngân hàng yêu cầu bạn mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng bạn không có nhu cầu, hãy từ chối. Bạn có thể cho biết lý do là bản thân đã mua bảo hiểm, vì vậy không cần mua thêm.
- Nếu ngân hàng tự trích tiền bảo hiểm từ tiền giải ngân vay vốn; hoặc phát hành thẻ tín dụng qua bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu bạn mua bảo hiểm qua thẻ tín dụng, hãy thông báo với lãnh đạo ngân hàng hoặc Thanh tra Chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
- Hãy ghi âm lại những lời ép buộc để có bằng chứng, vì bạn hoàn toàn có quyền thực hiện điều này.
- Lựa chọn ngân hàng khác để vay vốn nếu bị ngân hàng hiện tại ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay ngân hàng.
Dù tham gia bảo hiểm nhân thọ mang lại nhiều lợi ích, nhưng khi rơi vào tình huống bị ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi vay tại ngân hàng có thể gây bất tiện cho bạn.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhận thức rằng, bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm bảo hiểm dài hạn, tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu của người tham gia, chứ không phải vì lợi nhuận của ngân hàng. Đó là một thỏa thuận rõ ràng giữa ngân hàng và bạn.
Do đó, nếu bạn bị ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi đi vay, hãy chủ động bảo vệ chính mình bằng cách thông báo với lãnh đạo ngân hàng hoặc Thanh tra Chi nhánh ngân hàng nhé.
Tạm kết
Tóm lại, việc có hay không vay ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ đã được tuannq chỉ rõ thông qua bài viết này. Tuannq tin rằng bạn đã có đủ thông tin để tự quyết định khi có nhu cầu cần vay vốn tại ngân hàng. Trong trường hợp bạn có bảo hiểm có thể tham khảo cầm cố hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Đừng quên theo dõi blog Tuannq để được cập nhật những tin tức bổ ích và mới nhất về bảo hiểm nhân thọ nhé.
Chào mừng đến với trang web của tôi! Tôi là Nguyễn Quang Tuấn, chủ sở hữu website tuannq.vn – một chuyên gia tư vấn bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân và doanh nghiệp. Với gần 10 năm làm việc tại Dai-ichi Life Việt Nam, tôi đã tích lũy được không ít kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thông qua vai trò tư vấn, quản lý, trưởng phòng kinh doanh và các vị trí cao hơn tại tổ chức.